BabyWolf - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Blog cá nhân chia sẻ về thiết kế web, SEO, Online Marketing, giải pháp web, cuộc sống và nhật ký của tôi.

Giữ lửa đam mê: Yếu tố cần để thành công

Success babyThông thường, khi bạn đang cảm thấy hoang mang hay lúng túng cho một điều gì đó và bạn hỏi một người đàn anh đi trước, hay một người thành công đã gặt hái được nhiều thành quả, hoặc một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm những câu đại loại như:

1. Làm sao để giỏi về lĩnh vực hay nghề X?
2. Làm sao để đạt được thành quả Y.
3. Làm sao để đạt được mục tiêu đề đề ra.
...

Bạn thường hay sẽ gặp những câu trả lời phần lớn có bao gồm:

1. Bạn phải có niềm đam mê, nhiệt huyết và chịu khó, kiên trì...
2. Còn lại là bạn cần bổ sung kiến thức ABC, làm theo phương pháp XYZ,...

Khi ngồi nghe thì thấy có vẻ như khá dễ dàng, bạn như đang được tiêm một liều thuốc kích thích. Bạn trở nên phấn chấn và bắt đầu quyết tâm đặt mục tiêu cho mình, bạn tự định vị bản thân, bạn vẽ ra một con đường ngắn hạn và dài hạn từ cái định vị đến mục tiêu, bạn phấn đấu nhưng cuối cùng... vẫn không đạt được như mong muốn. Thường là do trong quá trình đó, bạn đã không giữ được lửa, không giữ được cái gọi là niềm đam mê, những cái đã được truyền đạt, bạn dễ dàng bị hoang mang một khi đi chệch mục tiêu,…

Một số người tuỳ công việc, tuỳ mục tiêu và tố chất vốn có, có người duy trì được lâu, có người duy trì được ít hơn, thậm chí chắc cũng có người chỉ được... vài ngày rồi đâu lại vào đấy.

Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng bởi mối quan hệ của bạn và người truyền đạt, người truyền đạt có thật sự có tận tâm khi chỉ dẫn cho bạn không? Hay chỉ là những câu trả lời chỉ mang tính tiêu đề qua loa. Bạn hỏi nhiều hơn bạn cảm thấy phiền, hay người truyền đạt cũng cảm thấy phiền. Nhưng ở đây bạn đừng nên quá trông mong vào người khác giống như “làm mọi việc cho bạn”.

Cái kiến thức ABC, phương pháp XYZ thì có vẻ không phải là điều khó khăn, chỉ cần bạn chịu khó học hỏi và tìm tòi, hay cũng cần có sự kiên trì. Nhưng làm sao để chúng ta có được sự chịu khó và kiên trì? Câu trả lời có lẽ sẽ dẫn đến tiếp là chúng ta phải có đam mê, nhiệt huyết thì mới chịu khó được.

Và đa phần trong những tình huống đó, người truyền đạt hay thiếu đi một điều cốt lõi: Đó là LÀM SAO để có được NIỀM ĐAM MÊ và NHIỆT HUYẾT? Có được nó thì cũng không phải là vấn đề khó. Chẳng phải sau khi nghe được những gì truyền đạt, bạn đã có đấy thôi. Vậy vấn đề tiếp theo là làm sao để GIỮ hay DUY TRÌ được nó? Nhưng đầu tiên vẫn phải CÓ trước rồi mới đến DUY TRÌ.

Tại sao có những người họ có đam mê và nhiệt huyết như là bẩm sinh, họ luôn vùi đầu vào những gì họ đang làm, có khi còn hi sinh cả đời cho nó. Số lượng người như thế này trên thế giới chắc cũng không ít, nhưng số người thành công chắc cũng chẳng đáng kể. Có người thì cũng chịu khó trải nghiệm đủ mọi thứ nhưng chẳng tìm đâu ra được mình đang thích cái gì, đam mê cái gì, và cứ thế là chấp nhận tàn tàn mà tiến.

Có người thì đam mê cái này nhưng không đam mê cái khác, những người này hay tìm đủ mọi cách để chọn lựa cho con đường mà mình đam mê. Điều đó cũng có nghĩa rằng bạn đã bỏ qua rất nhiều cơ hội, bởi vì cuộc sống không phải lúc nào cũng cho phép bạn được chọn lựa.

Có người thì quăng họ vào đâu họ cũng cảm thấy hứng thú, làm việc hăng say, nhiệt huyết và đam mê. Đây là nhóm người dễ tính hơn, và câu trả lời của họ có lẽ là: cái gì cũng như nhau, chỉ cần bạn biết cách enjoy (thưởng thức?) cuộc sống hay những gì mà bạn đang làm, đang trải qua. Nhóm người này không cần phải nói chắc bạn cũng nhận thấy rằng họ sẽ có nhiều cơ hội mở ra để nắm bắt hơn. Ở đây sẽ không nói về việc nắm bắt cơ hội.

Nhưng chẳng lẽ với những nhóm người như vậy thì sẽ có những người không bao giờ đạt được mục tiêu hay sao? Câu trả lời theo tôi là không phải vậy. Quay trở lại vấn đề làm sao để CÓ và làm sao để DUY TRÌ. Tôi nhận thấy rằng nó nằm ở chính hai chữ GIÁ TRỊ. Một khi bạn đã nhận thức được những giá trị với những gì mình đang làm, bạn sẽ dễ dàng yêu thích nó hơn. Bởi vì khi đó, bạn sẽ thấy được việc mình làm trở nên có ý nghĩa, có ích hơn. Chính nó là thứ sẽ nuôi dưỡng niềm đam mê, niềm tin và tâm huyết cho bạn. Thế nhưng mỗi người, mỗi trình độ và nhận thức khác nhau cũng sẽ nhận thức được GIÁ TRỊ khác nhau với cùng một thứ.

Giống như một anh lập trình viên lập trình cho ra đời một website hay phần mềm, anh ấy chỉ bận tâm đến vấn đề là sản phẩm mình làm sếp có happy hay không, để mong được tăng thu nhập. Một anh khác có tầm nhìn xa hơn thì sẽ quan tâm đến sản phẩm mình làm ra khách hàng (người đặt hàng) có happy hay không, khách hàng happy thì sếp mới happy. Rộng hơn nữa thì lại quan tâm đến vấn đề là sản phẩm mình làm ra có phải là thứ mang lại nhiều ý nghĩa, tính khả dụng và có làm happy người sử dụng sản phẩm (khách hàng của khách hàng) hay không. Và lúc này là đã mở rộng đến phạm vi cộng đồng, xã hội.

Khi bạn càng định hình ra được xa hơn về dòng chảy của nó, niềm đam mê của bạn càng lớn, giống như bạn tìm ra được một nguồn nhiên liệu phong phú hơn để giữ lửa được lâu hơn.
Hãy đừng để niềm đam mê của bạn sớm vụt tắt, khiến cho những ước mơ ngày càng xa rời bạn.