BabyWolf - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Blog cá nhân chia sẻ về thiết kế web, SEO, Online Marketing, giải pháp web, cuộc sống và nhật ký của tôi.

Có một sợi dây liên kết giữa chúng ta? - Phần 2

Hiệu ứng cánh bướmỞ bài viết trước, bài đầu tiên với chủ đề "Có một sợi dây liên kết giữa chúng ta?", tôi đã giới thiệu với các bạn về hiệu ứng cánh bướm cùng với một đoạn video vui mô tả về hiệu ứng này. Ở cuối bài đó, tôi có viết:
Bạn đã nhìn ra được quy luật đó chưa? Có lẽ là bạn vẫn còn mơ hồ và chưa thật sự thỏa mãn lắm. Bạn luôn nghĩ rằng bạn đang độc lập. Mọi thứ bạn đang hoạt động và quyết định bởi tư duy độc lập của bạn. Và bạn không cảm nhận được bạn đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều sự tương tác rất quy luật trong cuộc sống của bạn. Bạn có tin rằng một quyết định rất nho nhỏ của bạn có thể tạo ra một tác động và một hệ quả cho cả thế giới, hay thậm chí là cả cái vũ trụ này?

Và tất nhiên không chỉ là một quyết định rất nho nhỏ chỉ của bạn tác động cả thế giới này mà còn của rất nhiều người khác, rất nhiều những tác động khác từ vạn vật và không chỉ có con người. Nhưng trong tất cả những tương tác đó, chỉ cần một quyết định nho nhỏ của bạn cũng tạo nên sự thay đổi kéo theo một cách dây chuyền. Sau khi tôi gửi bài Có một sợi dây liên kết giữa chúng ta? trên Google+, có một bạn đã vào gửi bình luận mang tính ví dụ cho dễ hình dung như sau:
Câu chuyện con bướm vỗ cánh ở châu á gây nên cơn bão ở châu Mỹ cũng như câu chuyện về cái móng ngựa: Một ông vua cưỡi ngựa ra trận, rớt mất 1 cái móng ngựa -> ngựa té -> vua chết -> bại trận -> mất nước.
Con bướm vỗ cánh cũng thế, dù xác xuất rất thấp nhưng và vào thời điểm nó vỗ có thể tạo ra một hiệu ứng dây chuyền lớn dần và gây ra hậu quả cực kỳ to lớn khác.

Ở đây, tôi xin phép đưa ra một vài ví dụ khác gần gũi trong cuộc sống hàng ngày và hi vọng rằng sẽ dễ hiểu hơn cho bạn:

  1. Bạn đang đứng trước một người ăn mày, tất yếu trong suy nghĩ của bạn sẽ có sự xuy xét là có cho tiền họ hay không? Tôi lấy một con số ví dụ là 5000 VNĐ. Giả sử bạn quyết định là không cho người ăn xin đó số tiền này, thì người ăn mày đó sẽ không có 5000 VNĐ từ bạn hay ngược lại là anh ta có 5000 VNĐ từ bạn. Điều này sẽ dẫn tới một hệ quả là túi tiền mà anh ta có được. Từ túi tiền đó anh ta có thể sẽ quyết định ăn món gì, ở quán nào, tiêu xài những thứ gì. Hay cụ thể hơn là anh ta sẽ ăn một hộp cơm, tô phở hay là một ổ bánh mì. Rồi lại dẫn tới một hệ quả khác là ông/bà chủ quán nào thu được số tiền đó. Doanh số của họ ra sao. Rồi cũng từ đó họ cũng sẽ có quyết định cho đủ các thứ linh tinh trên đời này từ cái hệ quả đó. Và cứ thế...

  2. Một buổi sáng bạn thức dậy sớm hơn hay trễ hơn thời gian t cũng có ảnh hưởng rất lớn. Cho dù chỉ trễ hay sớm hơn 5 hay 10 phút thôi thì khi bạn bước ra đường, bạn sẽ gặp những người khác nhau. Cái cách và tâm lý chạy xe của bạn sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người. Ngược lại những người khác cũng tương tác với bạn. Nếu đặt trường hợp bánh xe của chúng ta có thể phun sơn để thể hiện đường bánh xe chạy thì tôi chắc chắn rồi sự chênh lệch về thời gian đó của bạn cũng sẽ tạo ra những con đường khác nhau. Bởi vì bạn thấy xe trước mặt bạn phải né, phải tránh, phải vượt qua hay chạy chậm lại nhường đường...

  3. Trong một phút giao tiếp với ai đó, bạn bị xúc phạm và nóng giận. Từ tính cách, suy nghĩ và quyết định của bạn cũng có ảnh hưởng dây chuyền rất lớn. Tôi đặt trường hợp như bạn đứng trước một quyết định là có choảng nhau với đối phương hay không? Giả sử là có và gây thương tích, người bị thương phải nhập viện. Người đó sẽ được sắp xếp ở giường số n, thì tất yếu người phải nhập viện sau đó phải nằm giường n+1 chứ không thể nằm vào giường n đó. Và cũng tất yếu anh ta phải có người thân đi chăm sóc, người thân của anh ta phải bỏ công việc đang làm để chăm sóc anh ta. Từ đó ảnh hưởng tới tiến độ các dự án trong công ty mà người thân đó đang làm. Công ty này lại ảnh hưởng tới công ty kia. Và cứ thế... Nhưng nếu ngược lại điều đó không xảy ra, thì có phải mọi thứ đang khác đi rất nhiều không?


Nói tóm lại, tôi cho rằng, chúng ta đang bị tương tác bởi một quy luật mà hầu hết chúng ta không cảm nhận ra được. Chúng ta đang tưởng rằng mọi thứ mình có thể quyết định được. Với tôi thì thấy nó rất mang tính quy luật. Bạn là một người có tính cách A, B, C (ví dụ như điềm tĩnh, nóng nảy, dễ chịu, hòa nhã, lịch thiệp, tự cao...) cùng với kiến thức x, y, z và khả năng tư duy nào đó sẽ dẫn đến những hệ quả tương tác với mọi người và ngược lại. Ví giống như một người tự ti hay mặc cảm thì nghe một lời chê bai thì sẽ buồn phiền, đó là tính quy luật mà tôi nói. Cái quy luật đó có lẽ chính là Quy luật Nhân Quả trong Phật học đề cập. Tôi hiểu về quy luật Nhân Quả như thế. Chứ không phải rằng chúng ta làm điều ác A thì chúng ta nhận lại điều A, mà nó chỉ là tự một nguyên nhân rồi qua tương tác sẽ dẫn đến một hệ quả nào đó. Chính vì vậy mà tôi cho rằng, nếu một người làm điều gì đó thì trong quá trình tương tác cái quả sẽ đến nhiều người và cùng nhận cái quả đó.

Khi tôi đưa ra các vấn đề và bài viết liên quan đến Lý Học Đông Phương, có không ít người cho rằng tôi mê tín. Nhưng thực ra đối với tôi đó là những vấn đề rất khoa học, bởi vì tôi hiểu và cảm nhận được tính logic trong hệ thống lý thuyết. Chẳng qua là vì tư duy của chúng ta đang bị bó buộc bởi những nhận thức từ các giác quan, mọi thứ phải nhìn trực quan trực kiến và dễ hiểu thì mới chịu tin. Cái gì khó hiểu và mơ hồ thì cho là huyền bí và gán cho nó một cái mác gọi là mê tín để khỏi phải tìm hiểu và giải thích. Trong khi đó, các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới giờ cũng đang nhìn nhận lại và tìm hiểu những lý thuyết này.

Và cũng chính vì tính quy luật đó, cho nên tôi nghĩ chúng ta mới có thể dự đoán được tương lai của mình. Cũng giống như khi bạn nắm bắt được các định luật Vật lý, bạn có thể tính toán được một ấm nước với chất liệu gì, bao nhiêu lít, đun với nhiệt độ bao lâu thì ấm nước đó sẽ sôi hay đạt 100 độ C. Tất nhiên là sẽ có xác xuất sai lệch bởi vì còn các điều kiện tương tác khác lên ấm nước đó như nhiệt độ ngoài trời, và nhiều thứ khác nữa mà chúng ta có thể chưa tìm ra được... Việc dự đoán tương lai cũng vậy, cũng sẽ có xác xuất của nó. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào người ứng dụng thực hiện có đúng hay không. Ví giống như một lớp học có 50 học sinh cùng học một lý thuyết toán nhưng có người giỏi và người dở khác nhau, học sinh giải bài toán sai thì không thể lấy đó làm cơ sở phản bác cho rằng lý thuyết toán sai.

Từ đó, cùng với các tài liệu mà tôi đã đọc được, tôi cho rằng những phương pháp dự đoán vận mệnh của con người hiện nay, cái mà đang được gọi là bói toán chính là các phương pháp dự đoán tương lai được ứng dụng trên nền tảng lý thuyết là thuyết Âm Dương Ngũ Hành. Các ứng dụng của thuyết này chính là những phương pháp ứng dụng như Tử Vi, Phong Thủy,... Và tôi đặt vấn đề, phải chăng nhân loại đã từng có một nền văn minh rực rỡ và phát triển để tìm ra được lý thuyết thống nhất vũ trụ mà các nhà khoa học hiện đang mơ ước? Và nền văn minh này đã vì một thiên tai nào đó mà bị sụp đổ, các lý thuyết của nó đã bị thất truyền và chỉ còn lại những ứng dụng. Người đời sau không hiểu được nó nên khiến cho nó càng trở nên mơ hồ và mang đầy màu sắc huyền bí. Cũng giống như khi con người ở hàng trăm năm trước mà so sánh với thời bây giờ nếu như thấy hai người nói chuyện với nhau ở cách xa hàng nghìn cây số thì đó quả là một chuyện thần thánh.

Và như thế, tôi cũng tự đặt một câu hỏi như: Vậy thì chúng ta chẳng khác nào những con robo được lập trình sẵn và mọi thứ giống như là một định mệnh? Tôi không cho rằng như thế. Bởi vì cũng giống như những lý thuyết của khoa học hiện đại ngày nay đã phát minh ra, khi bạn tìm hiểu và khám phá ra được thêm những quy luật mới, bạn sẽ ứng dụng nó tốt hơn để cải thiện cho đời sống của nhân loại.

Đây chỉ là những vấn đề mà tôi cảm nhận được và đang tự đặt ra cho mình để tiếp tục con đường nghiên cứu. Không hẳn là tôi đã đúng, và có lẽ cũng không hẳn là sai, và tất nhiên là sẽ còn nhiều thiết sót. Qua bài viết này, còn một điều nữa tôi muốn nói rằng, khi bạn thấy có một điều gì đó kỳ lạ, đừng vội bài bác mà hãy tìm hiểu về nó. Và cũng đừng vội vã tin ngay mà hãy đối diện và quán xét cùng với tư duy của mình, với cái Chính tư duy trong Bát Chính đạo của Phật học. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các bạn.

Khi tôi viết bài này, tôi hiện đang đọc một cuốn sách với tên "Định mệnh có thật hay không?". Đề tài của cuốn sách này có nhiều cái tương đồng với những gì tôi đã nói. Tôi hiện cũng chưa có thời gian để đọc nhiều và cũng đọc chưa hết cuốn này. Trước đây tôi đã dành thời gian đọc hơn 10 phần trong đó nhưng giờ lại muốn đọc lại từ đầu để suy ngẫm cặn kẽ hơn.