BabyWolf - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Blog cá nhân chia sẻ về thiết kế web, SEO, Online Marketing, giải pháp web, cuộc sống và nhật ký của tôi.

Suy ngẫm về câu chuyện "Chửi mắng và lời dạy của Đức Phật"

Chửi mắng và lời dạy của PhậtHôm nọ, được bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện Chửi mắng và lời dạy của Đức Phật, vì thấy hay và đáng suy ngẫm nên tôi đã copy về blog của mình để có thời gian suy ngẫm thêm. Thật ra thì tôi cũng đã định viết bài này từ hôm đó nhưng do dạo này cũng khá bận rộn mà còn phải chuẩn bị các công việc cho khóa đào tạo SEO miễn phí tại Viet Solution. Hôm nay thấy cũng thư thả được phần nào nên tranh thủ viết ra để chia sẻ những gì mà mình suy ngẫm được từ câu chuyện đó, chứ để lâu quá thì sợ quên mất và bỏ sót một chủ đề hay.

Trước hết, mình xin phép trích lại câu chuyện đó ở đây:
Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo… sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh , họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:

- Cù-đàm có điếc không?

- Ta không điếc.

- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?

- Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?

- Quà ấy về tôi chứ ai.

- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

Trước khi viết ra bài này, tôi cũng đã có dịp gặp gỡ và trao đổi cùng với một vài người bạn. Trong số đó có bạn gái mình và cũng đã viết bài phân tích câu chuyện này. Các bạn quan tâm có thể xem tại đây:

Bạn đã thật sự hiểu trọn vẹn câu chuyện “Chửi mắng và lời dạy của Đức Phật”?

Ngoài ra, tôi cũng chia sẻ bài viết này lên lại trên mạng xã hội, cũng có nhiều người khen hay. Tuy nhiên, khi trao đổi và nói chuyện trực tiếp thì thấy đa phần chỉ thấy cái hay dừng lại ở chỗ:

  1. Phật là một người rất điềm tĩnh, suy nghĩ sâu sắc và thấu đáo. Hành động của ngài thật tuyệt vời.

  2. Tình huống mà ngài đưa ra thật thâm thúy và sâu sắc, làm cho những kẻ gây hại đến Ngài phải tự cảm thấy hổ thẹn.

  3. Chúng ta không thọ nhận để cảm thấy an lạc, để tốt cho bản thân mình.


Qua đó, nhiều người sẽ cảm thấy rất tâm đắc và tự rút ra cho mình một bài học như: Hay quá, từ này ai chửi mình mình không nhận tức là họ tự chửi họ, như vậy là mình sẽ được vui sướng và an lạc. Suy nghĩ này theo tôi là hiểu chưa thấu đáo, chưa thật sự ngộ ra được hết từ câu chuyện. Cũng giống như đoạn phân tích trong câu chuyện mà tôi đã sưu tầm trên blog này. Lời phân tích ở cuối câu chuyện theo tôi vẫn chưa được đầy đủ lắm, tôi xin phép trích lại lời phân tích đó ở đây:
* Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta , những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh Ngài không chấp không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Chúng ta tu là tập theo gương Phật, mọi tật xấu của mình phải bỏ, những hành động lời nói không tốt của người, đừng quan tâm. như thế mới được an vui.

Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau quí vị có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui.

Tuy có chướng duyên bên ngoài mà chúng ta biết hóa giải, không thọ nhận, đó là tu. Không phải tu là cầu an suông, mà phải có người thử thách để có dịp coi lại mình đã làm chủ được mình chưa. Nếu còn buồn giận vì một vài lí do bất như ý bên ngoài. Đó là tu chưa tiến.

Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai , thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là kẻ khờ, không phải người trí.
(nguồn: FB)

Có một chi tiết mà có lẽ ít người để ý, đó là "Ta không điếc!". Không điếc, tức là vẫn nghe được, nhưng Ngài không thọ nhận. Lấy ví dụ như câu chuyện trên đây thì một người tặng quà cho bạn, bạn vẫn thấy người ta tặng quà nhưng không nhận. Và tại sao Ngài chỉ im lặng và ung dung không nói gì? Chỉ cho đến khi có người hỏi "Cù-đàm có điếc không?" thì Ngài mới trả lời. Điều này cho thấy rằng, Ngài vẫn rất bao dung và mở rộng lòng mình sẽ trả lời đúng lúc đúng chỗ, trả lời khi cần thiết, đó là cách làm của một người có trí tuệ. Mục đích của Ngài là để giúp cho người khác có thể nhận ra được điều sai trái của mình, giác ngộ cho người khác. Ngài đã đưa ra một tình huống để người đang mắng nhiếc có thể tự suy nghĩ mà tự ngộ ra được.

Có một câu hỏi mà nhiều người khi tu chưa đến, khi nghiên cứu Phật học chưa đến và chưa nhận ra được mục đích của việc tu hành dễ dàng lúng túng, đại ý đó là: Tu thành Phật rồi làm gì nữa?

Có không ít người đang nghĩ rằng tu hành là một hành động ích kỷ, bỏ mặc và xa lánh đời để đi tìm sự an vui cho riêng mình. Đó là một suy nghĩ sai lầm, suy nghĩ nhìn từ bên ngoài và phiến diện, chưa tìm hiểu đã có nhận xét như vậy. Thật ra thì trong quá trình tu, chúng ta phải đối diện, quán xét để nhận thức được bản chất của mọi thứ. Từ đó, giúp cho bạn có kiến thức và trí tuệ, để bạn có thể được tự do, để đạt được cái gọi là tự do cuối cùng, hay còn gọi là sự giải thoát. Rồi từ những cái mà chúng ta gặt hái được tiếp tục chia sẻ cho người khác. Chứ không phải là chỉ ích kỷ và chỉ nghĩ cho niềm vui an lạc cho riêng mình, đó là tu chưa tới, chưa thấu hiểu được mục đích của việc tu thiền.

Quay trở lại vấn đề về câu chuyện, nếu bạn không hiểu được thấu đáo thông điệp mà Ngài để lại từ đó. Bạn vẫn chưa nhìn được vấn đề và chân lý, chưa thật sự có cái nhìn xuất phát từ một lòng từ bi thì cũng dễ dàng bị mắc phải ma tâm. Bạn nghĩ rằng từ nay mình sẽ không nhận những lời chửi mắng, người chửi mắng mình sẽ là tự chửi họ, bạn cảm thấy vui vì điều đó. Nhưng, đó là một hành động trả đũa, vẫn còn chấp, bạn vẫn chưa thể thoát được và vẫn còn bị lay động. Và như thế bạn sẽ không thật sự cảm thấy an vui được. Và cũng có nghĩa là bạn vẫn đang "nhận".

Ví dụ như một trường hợp mà tôi muốn đưa ra ở đây, không biết bạn nào đã có cảm giác đó giống tôi không, tôi nghĩ là có. Một người hại bạn, bạn khó chịu và trả đũa, sau khi bạn giành chiến thắng bạn cảm thấy mãn nguyện, bạn hả hê. Nhưng rồi bất chợt bạn cảm thấy mình đã đi quá trớn, bạn cảm thấy thương ngược lại cho người đã bị bạn trả đũa. Và như vậy, bạn có vui không?

Giống như một đoạn phân tích của Le Anh tôi xin phép trích lại ở đây:
Khi một người chửi mắng nặng nhẹ bạn, bạn không “nhận” lời chửi mắng, thì sẽ không phiền não vì nó, chúng ta sẽ cảm thấy thanh thản và an vui. Nhưng đừng dừng lại ở đó, hãy mở lòng hơn với những người còn u mê đấy, hãy cố gắng hiểu họ và mở tâm cho họ, giúp họ ngộ ra điều đúng sai, giúp họ sống tốt hơn. Đó là cách trọn vẹn hiểu, trọn vẹn “tu”.

Và chắc chắn một điều rằng, nếu bạn làm được điều đó. Bạn sẽ cảm thấy thanh thản thật sự, vì bạn không chỉ tạo được sự an vui cho mình, mà còn tạo được sự an vui cho người khác. Đó mới là niềm vui lớn nhất của mỗi người.

Cách đây mấy hôm, trên Google+ của mình, tôi được Ngài Dalai Lama chia sẻ một đoạn cũng khá hay và xin phép trích dẫn lại tại đây:
A compassionate attitude helps you communicate more easily with your fellow human beings. As a result, you make more genuine friends and the atmosphere around you is more positive, which gives you greater inner strength. This inner strength helps you spontaneously concern yourself with others, instead of thinking only about yourself.

Tôi đã dịch lại và chia sẻ lên Google+ như sau:

Một thái độ từ lòng từ bi sẽ giúp cho bạn giao tiếp với mọi người dễ dàng hơn. Và kết quả là, bạn có thêm được những người bạn thật sự và một bầu không khí xung quanh tích cực hơn, điều này sẽ tạo ra một sức mạnh nội tâm rất lớn trong bạn. Sức mạnh nội tâm này giúp bạn quan tâm đến người khác một cách tự nhiên, thay vì chỉ suy nghĩ về bản thân mình.

Tôi có duyên được biết đến Phật học từ khá lâu, có thể nói là từ bé. Tôi đã say mê những câu chuyện như thế này và cầu đạo, nhưng tôi không phải là một người dành nhiều thời gian nghiên cứu Phật học hay tu theo một cách bài bản. Có thể những ý kiến của tôi vẫn còn thiếu sót. Rất mong nhận được những chia sẻ cùng các bạn.