BabyWolf - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Blog cá nhân chia sẻ về thiết kế web, SEO, Online Marketing, giải pháp web, cuộc sống và nhật ký của tôi.

Đón xuân Nhâm Thìn 2012: Những ngày Tết - Phần 2

Lúc bấy giờ, xe tôi đi đã bắt đầu đi qua cây cầu treo để vào địa phận tỉnh Bến Tre. Cây cầu này đã được xây dựng mấy năm nay, bến phà xưa giờ không còn nữa. Nhiều thứ giờ đây đã thay đổi cùng với sự phát triển chung. Thế nhưng con người thì vẫn luôn cứ nhớ lại những thứ xưa cũ như là một kỷ niệm.

Trước đây, mỗi khi về quê, khi đứng chờ phà và đi trên phà tôi thường hay suy nghĩ và trông mong một ngày nào đó tỉnh nhà sẽ có một cây cầu để tiện lợi giao thông hơn. Sự thông thương sẽ giúp cho kinh tế phát triển và sự nghèo nàn của quê mình sẽ được cải thiện. Vậy mà bây giờ tôi lại nhớ đến bến xưa, những khung cảnh đậm chất miền quê. Tôi nhớ những cảnh mọi người chen lấn chờ phà. Mắt thì trông ngóng khi phà gần đến. Xe cộ bắt đầu rồ ga chuẩn bị, chỉ chờ cánh cổng mở ra là ùa xuống phà tìm chỗ đậu xe, đứng hay ngồi. Rồi cảnh những người bán hàng rong, những người bán vé số và những hàng quán xung quanh bến phà. Giờ đây họ làm gì và ở đâu khi bến phà chỉ còn là quá khứ.

Lúc bấy giờ đã là 8 giờ, chiếc xe chở khách vẫn đang băng băng qua cây cầu treo mà bao người từng hằng mong đợi. Phải nói là xe đi nhanh thật, vì giờ đây có đường cao tốc, có cầu bắt ngang sông. Bạn chỉ mất 1 tiếng rưỡi để đi từ TPHCM đến Bến Tre. Trước đây bạn mất tầm khoảng 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng. Qua cây cầu thì nếu tôi nhớ không lầm sẽ đến huyện Châu Thành, không rõ sau này nó có được đổi tên hay không. Sở dĩ tôi không dám chắc vì hồi xưa khi tôi còn ở dưới quê là lúc tôi còn rất bé. Mà tôi thì lại ít khi đi đâu, chỉ đi loanh quanh luẩn quẩn trong cái xóm ấp của mình. Thỉnh thoảng ra trung tâm với bố mẹ, các huyện lân cận tôi không rành đường đi cho lắm. Nơi đây vẫn còn mang nhiều nét của một vùng quê xưa mặc dù đã có thêm nhiều con đường mới. Nhà cửa vẫn thưa thớt, đâu đó những ánh đèn le lói. Lúc bấy giờ tôi không còn cắm cúi vài cái iPad của mình nữa mà nhìn ra ngoài để xem quê mình dạo này có gì đổi khác không.

Một lúc sau thì xe tôi đang đi dần dần tiến vào Thành phố Bến Tre, Bến Tre từ thị xã lên thành phố được vài năm nhưng chính xác là bao lâu thì tôi cũng không rõ lắm. Những ánh đèn đường sáng rực bắt đầu hiện lên phía trước xe. Mọi người bắt đầu hối hả chuẩn bị xuống xe và đăng ký chỗ dừng với bác tài. Xe bắt đầu dừng hết chỗ này đến chỗ nọ. Tôi thì hầu như là mù tịt và nghĩ chắc phải đi đến bến xe rồi tính tiếp. Nhưng tôi bỗng chợt nhớ mẹ tôi bảo là xe này có thể đưa đến tận nơi. Tôi hỏi bác tài:

- Xe này đi đến đâu vậy anh?

- Anh muốn đưa đến đâu thì chạy đến đó.

- Em về chỗ gần bến phà Hàm Luông.

Chắc là bác tài nghe không rõ nên hỏi lại:

- Cầu Hàm Luông hả?

Tôi nghĩ trong đầu: "À, trước đây mình từng nghe nói khu vực chỗ ngoại mình sắp sửa xây cầu và dẹp bến phà, chắc là cầu Hàm Luông cũng nằm gần bến phà Hàm Luông cũ thôi". Tôi trả lời:

- Dạ đúng rồi anh. Anh cho em xuống chỗ cầu Hàm Luông. Cầu này mới xây hả anh?

- Cũng lâu rồi, chắc lâu anh không về không biết đấy thôi.

- Vâng, em chưa từng nhìn thấy cây cầu đó như thế nào.

- Vậy anh cứ ngồi đấy đi, anh sẽ là người cuối cùng xuống xe. Tôi sẽ chở anh đến đó.

Một lúc sau bác tài bảo gần đến rồi và kêu tôi chuẩn bị đồ đạc đi xuống. Trước khi xuống thấy bác tài đốt thuốc hút, tôi cũng mượn cái bật lửa châm thuốc hút rồi xuống xe. Tôi đứng nhìn xung quanh để định hướng tìm đường về nhà mình, vì theo tôi nhớ bến phà Hàm Luông đến nhà tôi có thể đi bộ được. Thế nhưng cảnh vật sao mà lạ hoắc, chẳng có tí gì là quen thuộc. Tôi thầm nghĩ trong đầu, thôi chết, chắc mình nhầm chỗ rồi. Cũng hài thật, quê mình không rộng lớn là bao, thế mà giờ mình lại bị lạc và chẳng định vị nổi mình đang ở khu vực nào. Tôi ngó quanh và thấy có một quán cafe bình dân. Tôi nghĩ thôi vào đó ngồi làm ly cafe và hút nốt điếu thuốc rồi tính tiếp. Đầu tiên tôi định bắt xe ôm đi, nhưng vì không rõ từ chỗ mình về nhà xa hay gần. Không khéo thấy ngơ ngơ bị xe ôm nó chém thì mệt. Giờ mà nhảy lên xe ôm họ phán bao nhiêu thì chịu bấy nhiêu. Thôi đành làm phiền người nhà tí vậy. Cũng một phần vì tính tôi trước giờ cũng không thích làm phiền người khác lắm, nhưng thôi có lẽ đây là giải pháp tốt nhất. Sau khi đã gọi nước uống tôi bốc điện thoại gọi cho mẹ mình nhưng mãi mà không ai nhấc máy. Tôi gọi cho thằng em tôi đang ở nhà ngoại thì nó bắt máy nhưng tôi biết nó chắc cũng chẳng biết gì nhiều.

- Alo, BB hả? Đang ở đâu đấy.

- Em đang ở nhà ngoại.

- Có thằng B ở đó không? Đưa điện thoại cho anh nói chuyện.

Tôi chờ một lát thì đầu dây bên kia có tiếng alo của thằng B.

- Anh vừa đến nơi mà xe nó thả anh xuống cầu Hàm Luông, anh chẳng biết chỗ này chỗ nào.

- Cầu Hàm Luông ở tít ... (địa danh gì tôi không nhớ rõ) ... chứ đâu có gần nhà mình đâu anh.

- Oh, vậy à. Từ nhà mình đến đây có xa lắm không em?

- Cũng không xa lắm.

- Vậy em ra đây đón anh nhé.

- Vâng, vậy anh chờ em tí.

Tôi ngồi chờ nhìn ngắm xung quanh, đường xá bây giờ rộng và đẹp hơn xưa nhiều. Đường được chia làm hai làn đường rộng. Vỉa hè cũng được xây dựng khá tươm tất, ở giữa là cây và hoa. Nhìn đường phố giờ trông hiện đại và văn minh hơn hẳn. Tuy nhiên ven hai bên đường vẫn là thưa thớt những ngồi nhà cũ kỹ không khác xưa là mấy, người qua lại cũng vắng vẻ. Ngồi không không biết làm gì tôi lấy điện thoại mở 3G lên nghịch Facebook và Google+. Một lát sau thì thằng em tôi tới, vì cũng mới vào quán được tí nên tôi bảo nó ngồi chơi uống nước tí rồi hẵng về. Được một lúc thì chúng tôi cũng rời quán và lên xe đi về, thằng em tôi bất cẩn không có mang mũ bảo hiểm cho tôi. Tôi hỏi nó:

- Thế còn đường nào tắt về nhà không?

- Có, đi đường vườn.

- Ừ, chắc đi đường đó không có cảnh sát đâu.

Chúng tôi đi vào một con đường khá bé, đường rộng chắc tầm khoảng 3m. Hai bên đường cây cối um tùm và cũng chẳng có đèn đường. Trên đường đi tôi cũng dần dần cảm thấy quen thuộc mặc dù đường đi bây giờ là đường nhựa, không còn là đường đất như xưa. Chúng tôi đi qua một cây cầu và tôi hỏi:

- Đây có phải cây cầu mà đi một lúc nữa đến ngôi chùa gần nhà mình không?

- Dạ đúng rồi anh.

Lát sau tôi lại hỏi:

- Đây có phải cầu gọi là cầu Cái Hiên không?

- Dạ.

Như thế là tôi cũng đã bắt đầu định hình ra được vị trí của mình và tâm trạng bắt đầu hồ hởi vì sắp về được đến nhà ngoại. Cũng vì lạc đường mà mãi đến 9 giờ tối hơn tôi mới về đến nhà. Đáng lý ra thì tôi đã ở nhà ngoại lúc 8h15. Tôi hỏi thăm ngoại rồi thay đồ ăn uống tắm rửa xong thì nhảy lên giường online lên mạng để đọc bài và chat chit với người yêu, bạn bè.

Vì ở dưới quê mọi người thường đi ngủ sớm, nhà ngoại tôi thì tầm 9 giờ hơn mọi người đều bắt đầu mắc màn đi ngủ cả rồi. Tôi hỏi thằng em:

- Tối nay anh ngủ ở đâu?

- Anh vào ngủ chung với thằng BB.

- Ngủ ngoài giường ngoài này được không em?

- Anh muốn làm thức ăn cho muỗi à?

Tôi chỉ cười và bảo ở ngoài chơi tí rồi vào ngủ sau. Giờ đây chỉ còn mình tôi một mình, ở dưới quê vào ban đêm không gian thật yên tĩnh, chỉ có màn đêm và không một tiếng động nào. Trước đây thỉnh thoảng tôi cũng thích về quê, bởi vì không khí ở đấy rất trong lành không nhiều khói bụi và ngột ngạt như ở Sài Gòn. Người ta thường nói, người sống ở vùng nông thôn thường sống thọ hơn người ở thành thị, bởi vì không khí ở nông thôn trong lành hơn. Đúng như vậy, tôi cảm nhận được rất rõ sự trong lành ở đấy. Mỗi lần về quê, tôi ngủ thường dậy rất sớm và cảm thấy khỏe khắn hơn nhiều. Không như ở Sài Gòn, buổi sáng thức dậy vẫn còn thấy mệt mệt và muốn ngủ thêm.

Trong không gian yên tĩnh của buổi tối hôm đó, chỉ có tiếng quạt và tiếng gõ lạch cạch của tôi trên bàn phím. Và tôi như cô đơn giữa một đêm tối mịt mùng. Tôi chợt nhớ đến bài Đêm Cô Đơn và mở bài ấy ra nghe, một phần cũng vì đi xa cũng thấy nhớ nhớ người yêu. Bỗng dưng những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi ùa về, những cảnh vật quen thuộc. Một khu vườn mai rực rỡ sắc vàng mỗi khi xuân về, trước đó anh chị em tôi trèo lên vặt lá và đến khi mai nở thì cắt cành đem ra chợ bán. Nhà tôi khi xưa ở bên cạnh nhà ngoại, giờ đây chỉ còn là nền xi măng kể từ khi gia đình tôi bỏ đi. Còn nhớ lúc ấy, anh chị em tôi được bố mẹ sắm đồ mới. Rồi sang nhà ngoại, cậu dì chúc Tết, rồi được nhận tiền lì xì. Tôi còn nhớ chị em tôi rất thích thú với những điều đó. Được mặc những bộ đồ mới và được tiền lì xì rất lấy làm hãnh diện và đi khoe với lũ bạn trong xóm. Chúng tôi thường hay so đo xem đứa nào được lì xì bao nhiêu trong những ngày Tết. Thật là trẻ con nhưng cũng thật vui và hồn nhiên. Tôi cũng nhớ lại những bánh mứt ngày Tết, hồi đấy chúng tôi rất hảo nhưng không được bố mẹ cho ăn nhiều bởi vì phải để dành để tiếp khách. Chúng tôi chỉ chực chờ khi những ngày Tết sắp hết bánh mứt còn lại bao nhiêu để được ăn. Sau này ăn nhiều quá thành ra cũng ngán. :(

Xuân về trở lại chốn thân thương
Đường vắng khi xưa đượm nét buồn
Còn đó hoa mai vàng trước ngõ
Mái nhà tranh ấy phủ đầy sương

Tôi tiếp tục nhớ đến những kỷ niệm vui đùa của tuổi thơ hồn nhiên và vô tư cùng lũ bạn khi nghịch phá. Những lúc đi mò cua, bắt ốc với mục đích rất đơn giản đem về nuôi chơi. Lúc ấy không thể nào biết được rằng rồi mình sẽ trải qua những chặn đường sóng gió và đầy chông gai của cuộc sống.

Ngồi đây nhớ lại bao năm cũ
Thuở ấu thơ nào biết gió sương
Bắt ốc mò cua cùng lũ bạn
Xuân về tiếng pháo vẫn còn vương

Tôi cảm thấy luyến tiếc và có chút chạnh lòng như muốn được trở lại thời thơ ấu ấy. Thế nhưng điều đó sẽ không bao giờ tôi sẽ có lại được.

Cảnh vật giờ đây đã đổi thay
Khiến tôi như lạc ở nơi này
Mái nhà tranh ấy không còn nữa
Đường cũ khi xưa sạch bùn lầy
Còn chút hương phai xin giữ lại
Đong đầy kỷ niệm buổi thơ ngây
Khi xưa chân bước lòng nào nhớ
Sao giờ luyến tiếc giữa trời mây

Đang mải mê say sưa ôn lại những kỷ niệm cũ thì chợt ngoại tôi ra.

- Khuya rồi sao còn chưa đi ngủ đi, nhớ vào trong ngủ không muỗi cắn, tắt đèn tắt quạt trước khi đi ngủ nhé.

Tôi chợt nhìn đồng hồ thì thấy cũng đã hai giờ hơn, nhìn ngoại lúc này mà sao thân thương thế. Những gì khi xưa giờ đây tôi chỉ còn lại chính là người thân của tôi.

- Dạ, con đi ngủ ngay đây, ngoại vào ngủ đi.

Tôi thì thường hay thức khuya, có khi đến sáng, nhưng sợ ngoại tôi lại lo và lại ra nhắc tôi đi ngủ nên đành đi ngủ sớm.

(To be continued…)