BabyWolf - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Blog cá nhân chia sẻ về thiết kế web, SEO, Online Marketing, giải pháp web, cuộc sống và nhật ký của tôi.

Tôi cũng đang chạy theo đồng tiền

Chạy theo đồng tiềnTôi từng tự tưởng rằng mình không bị chi phối bởi đồng tiền. Để rồi một ngày tôi nhận ra tôi đang bị chi phối bởi nó và là một điều không thể chối cãi. Nhưng để bị nó chi phối thế nào và cách mà bạn chạy theo thế nào mới là điều đáng nói.

Hầu hết tất cả mọi người ngày nay đều đang bị chi phối bởi đồng tiền, tôi cũng vậy! Ít nhất là đối với bản thân tôi bây giờ, tôi không thể chối cãi điều đó. Và có lẽ hầu hết mọi người đều như thế. Tại sao tôi không dùng từ tất cả? Bởi vì biết đâu đâu đó trên thế gian này có một trường hợp hi hữu đối với một ai đó mà không bị chi phối bởi nó.

Đấy là vì khi bạn đã sống với một cơ thể vật lý của con người, ít nhất thì bạn cần phải ăn, phải uống. Hay một ai đó đang sống một đời sống thực vật thì cũng cần sự tiếp tế dinh dưỡng. Hay cho dù bạn có là một thầy tu không sử dụng đồng tiền cho những nhu cầu tối thiểu, bạn chỉ đi khất thực, thì những gì mà bạn nhận được đều có sự can thiệp của đồng tiền trước đó.

Thời gian mà tôi đang nói là ngày nay, những ngày mà đồng tiền đã bắt đầu ra đời, đang tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi nó biến mất. Nó ngày nay thật sự rất cần thiết, nó như là một thước đo để thể hiện giá trị của hầu hết mọi thứ vật chất, và thậm chí trong một số trường hợp nó còn thể hiện giá trị của trí tuệ, tinh thần. Chính vì cái giá trị đó mà mọi người phải chạy theo để thể hiện cái giá trị đó. Để rồi mọi thứ trở nên lẫn lộn và khó phân biệt, bởi vì cái gì cũng có thể quy về với đồng tiền.

Tuy nhiên, dù sao đi chăng nữa thì mức độ và hình thức chi phối bởi đồng tiền đối với mỗi người khác nhau. Có những người như bị mê hoặc với đồng tiền, tự mình để bị làm lu mờ đi mọi thứ, có thể vì đồng tiền mà xem những giá trị khác không ra gì, có thể bán rẻ người thân, bạn bè. Hay thậm chí đồng tiền có thể đổi được một mạng hay nhiều mạng người. Có những người chỉ cần vừa đủ. Nhưng cũng lại có người chỉ cần vừa đủ rồi cái vừa đủ đó lại tiếp tục dâng cao và lại cũng phải chạy theo nó.

Tôi đã từng tự tưởng rằng mình không bị chi phối bởi nó, đó là khi tôi còn có cái nhìn thiển cận. Tôi đã và hiện đang sống khá phóng khoáng và thấy nó khá là vô vị nhưng cũng không thể chối cãi rằng tôi cũng đang bị chi phối bởi nó.

Từ khi còn bé, tôi đã có khá nhiều ước mơ. Đầu tiên là ước mơ làm được những gì đó cho những người thân của mình. Tôi muốn bố mẹ tôi và gia đình sống vui sướng trong một ngôi nhà đẹp với đầy đủ những tiện nghi. Rồi tôi ước mơ mình sẽ làm được điều gì đó giúp người, giúp những người đang gặp khó khăn và đau khổ khi thấy được những hoàn cảnh bi đát và đói nghèo của nhiều người. Thế nhưng, đó chỉ là một ước mơ đơn giản của một cậu bé, bé lắm. Đến bây giờ, ước mơ đó vẫn luôn tồn tại, nhưng nó lại phức tạp hơn nhiều. Tôi đã và đang nhận thấy được nhiều sự phức tạp của cuộc sống, mọi điều mình muốn làm không dễ thực hiện được. Và tôi nhận ra rằng tôi phải có tiền để làm được những điều đó. Tôi khao khát kiếm tiền, khao khát làm giàu, và tôi đang chạy theo nó.

Cách đây vài hôm tôi có đọc được một câu trên mạng xã hội cũng hay hay tôi nhớ đại loại rằng:
Thôi thì cứ ước mơ đi bởi vì ước mơ không bị đánh thuế!

Đúng như vậy, nhưng khi bạn thực hiện ước mơ đó bạn sẽ bị đánh thuế. Ước mơ thì cần phải thực hiện và hướng tới nó, nếu không như vậy thì mơ để làm gì. Đừng để mình phải rơi vào một cuộc sống đầy mơ mộng mà phải hiện thực hóa ước mơ.

Tôi còn nhớ có một lần tôi đã cập nhật một câu trên mạng xã hội nửa đùa nửa thật đại loại như:
Ước gì mình có hàng nghìn tỉ để...

...

...

... đem cho.

Tất nhiên sẽ chẳng mấy ai tin được điều này. Ngay cả bản thân tôi thậm chí còn chưa tin vào điều này thì huống chi người khác tin được. Ngày hôm nay tôi nói như thế nhưng khi có rồi thì sao? Bạn sẽ cho hết số tiền đó để giúp đỡ tất cả những người nghèo trên thế giới này? Điều đó có thể nói là không thể và tôi cũng chẳng ngu ngốc mà đi làm như vậy. Có thể tôi sẽ chỉ cho một phần nào nhưng không phải là cho hết với số tiền đó. Bởi vì cho dù bạn có bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng không thể dẹp bỏ được hết những khổ đau hay khó khăn của những người đang ở dưới đáy của xã hội. Cũng là bởi vì con người không ai giống nhau cả. Do đó cho nên lúc nào cũng sẽ có những người ở dưới đáy. Chỉ khác ở chỗ là cái đáy đó nó như thế nào mà thôi. Chỉ hi vọng là khi xã hội loài người càng văn minh thì cái đáy đó càng được cải thiện tốt hơn. Với số tiền đó bạn cần phải làm gì đó một cách thông minh hơn để duy trì và có thể tự đẻ ra và giúp đỡ được nhiều người một cách dài lâu hơn. Nhưng rồi thì sao nữa?

Thật ra thì đồng tiền nó cũng chỉ chạy vòng vòng trong cái xã hội này, bạn có làm giàu thì số tiền đó cũng do thu được của từ nhiều người khác. Trong cái dòng chảy đó nó luôn tương tác và rồi cũng tạo ra những người giàu, người nghèo, người vui, người buồn.

Vì vậy, thôi thì cứ sống thuận tự nhiên và giữ cho cái tâm của mình nó tốt là được. Thôi thì cứ chạy theo đồng tiền.
Tiền bạc không thành vấn đề, vấn đề là không có tiền!

Tôi từng nhớ có một lần khi ngồi nói chuyện với một anh bạn về Phật học, anh ta nói rằng bố thí giá trị nhất không phải là bố thí của cải vật chất mà là bố thí pháp. Khi bạn có dịp mà đi làm từ thiện này nọ thì cũng nên gần gũi với những người cần giúp đỡ, trao đổi và thân thiện nói chuyện để giúp cho họ vui sống, có nghị lực để vươn lên, mang lại cho họ những niềm vui, hạnh phúc về mặt tinh thần khi giúp họ nhận ra được bản chất của mọi vấn đề một cách tốt hơn.

Tóm lại theo tôi thì không việc gì phải chối bỏ việc mình đang chạy theo đồng tiền. Việc chạy theo đồng tiền không phải là cái xấu, mà chạy theo như thế nào mới là tốt, mới là xấu. Đồng tiền cũng mang lại hiệu ứng tích cực khi bạn đang phải cố gắng hoàn thiện bản thân mình, phấn đấu vươn lên. Chỉ là đừng để bị nó mê hoặc làm che mờ mọi thứ khác mà thôi.

Và nên nhớ rằng điều giá trị nhất trong cuộc đời là những thứ chúng ta làm được cho người khác. Đây là điều răn thứ 10 trong 10 điều răn trong mối quan hệ con người mà tôi nhận được chia sẻ trên mạng xã hội Google.