BabyWolf - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Blog cá nhân chia sẻ về thiết kế web, SEO, Online Marketing, giải pháp web, cuộc sống và nhật ký của tôi.

Cuộc gặp gỡ đầu năm

Khoảng khắc ngắn ngủi gọi là giao thừa đã qua đi. Nhưng chính cái khoảng khắc ngắn ngủi đầu năm ấy, lại mang cái không gian xuân đầy nhựa sống chảy đẫm vào cuộc đời, làm cho nó nôn nao rạo rực. Thỉnh thoảng những tiếng guốc dép, tiếng giầy Tây hay tiếng nói chuyện râm ran lại thảng thốt nổi lên trong màn đêm mệt mỏi, tĩnh lặng. Thanh âm do những người đang du xuân đón giao thừa tạo ra, như muốn níu kéo cái rạo rực trong khoảng khắc giao mùa đã mất. Trong không gian nhàn nhã và đặc quánh hy vọng đó, thời gian như nhích dần về quá khứ một cách khó nhọc. Mọi người như cũng theo dòng thời gian mệt mỏi vì hy vọng quá nhiều. Họ đã thiếp đi trong giấc ngủ, trả lại cho màn đêm sự tĩnh lặng cố hữu của nó.

Nhưng đâu đây, trong giấc xuân mơ màng – hình như từ trong phòng bên cạnh hay gần hơn – có những tiếng ai đó còn nói chuyện râm ran, làm như họ đang tranh luận một cái gì. Âm thanh lớn dần và mỗi lúc một rõ hơn… Từ trong tủ sách (có lẽ thế), một người loạng choạng bước ra với cái đầu trọc lốc, được đắp ở phía trước là khuôn mặt đỏ gay, chằng chịt đầy sẹo. Miệng hắn nói oang oang, phả hơi rượu nồng nặc:

“Tôi! Tôi muốn làm người lương thiện. Tôi cần phải sống đạo đức. Tôi không thể như thế mãi được. Tôi không phải loại người như thế! Nhưng chúng nó không cho tôi được lương thiện! Thế thì tiên sư chúng nó! Tiên sư cả làng Vũ Đại!”.

Hắn hét lên, cái đầu trọc lắc lư, tay cầm chai rượu huơ huơ trong không khí. Một đoàn người rùng rùng kéo ra, hình như cũng từ trong tủ sách. Họ giữ tay Chí Phèo – Phải! hắn chính là Chí Phèo, một nhân vật đáng vì nể, từ lâu đã nổi tiếng trong giới văn chương – nên họ chỉ khuyên can an ủi. Một người đưa tay phân bua:

“Tại anh Chí Phèo quá nóng! Nhưng anh ấy nói đạo đức hả? Tôi không đồng ý! Để được cái gì? Tôi! Tôi đã đạo đức. Tôi đã sống lương thiện. Nhưng tôi cũng bế tắc và phải trở về quê với hai bàn tay trắng, sống bám vào mụ vợ khốn khổ, quanh năm lam lũ với bầy con nhếch nhác. Không! Không thể sống như thế được! Ta phải ác! Ta phải ác!”.

Một tiếng cười gằn nổi lên:

“Thôi đi ông Thứ ơi! Cái cỡ anh, một anh giáo khổ trường tư; “Sống mòn” mỏi dưới ngòi bút của Nam Cao; cơm không đủ mà ăn, quanh năm chật vật lo kiếm sống thì đếch làm gì được ai mà cũng bày đặt ác với độc. Còn thằng Chí Phèo! Mày cũng chỉ là thằng lưu manh mạt hạng ở nhà quê, một thứ du đãng miệt vườn, chỉ giỏi bắt nạt mấy anh nông dân khốn khổ, đã thấm vào đâu mà mở miệng nói đạo đức. Hơ! Hơ! Mà mày đã đạo đức hồi nào đâu? Mày mới chỉ có ý nghĩ đó thôi thì đời đã vội vươn bàn tay lông lá túm lấy mày và quẳng ra bên lề cuộc đời rồi! Hơ! Hơ! Như ta đây nè!…”

Vừa nói, người đó vừa vỗ bồm bộp vào bộ ngực xăm trổ chằng chịt:

“Năm Sài Gòn đây! Cuộc đời “Bỉ vỏ” ngang dọc của ta cũng đủ cho mấy người thấy rằng: mấy người chỉ có thứ triết lý rẻ tiền. Tốt nhất hãy câm mồm lại để người khác nói chuyện!”.

“Thôi đi anh! – một người đàn bà mặt mũi chất phác, quê mùa, nhưng khá xinh xắn, kéo áo Năm Sài Gòn nói nhỏ – Nhắc làm gì cái quá khứ đó! Chúng mình hãy an phận, để em cố buôn thúng bán bưng, đồng tấm đồng cám rồi sống đạm bạc, nhưng hạnh phúc bên nhau là được rồi!”.

“Em thì biết cái gì mà cũng xía vào đây!” - Năm Sài Gòn gạt ngang. Tám Bính buồn rầu im lặng, cho đến bây giờ nàng vẫn không khuyên được chồng nàng.

“Các anh có cách sống như vậy là không được!” – Đào Vân Hạc lắc đầu – “Con người sống phải có đức; phải biết tôn ti trật tự; phải đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và phải biết xuất xử tuỳ thời mới là bậc trí giả. Trong sách Luận ngữ, Đức Khổng tử có dạy…”

“Thôi đi ông bạn ơi! Cái thứ Nho giáo cổ hủ – sản phẩm của xã hội phong kiến lạc hậu của các anh – mà đem ra bàn bây giờ thì không còn hợp thời nữa! Trí giả gì đâu? Xuất xử gì đâu? Mà sao anh cũng “Lều Chõng” đi thi. Cụ Ngô Tất Tố cũng đã cho anh đậu đến thủ khoa thi Đình rồi kia mà. Anh được cái gì? Hay là viết văn phạm huý – một thứ luật lệ khắt khe của chế độ phong kiến các anh – Rồi cũng tù, rồi cũng phải trở về quê với vợ như anh Thứ giáo khổ kia”.

Phú vừa nói vừa hăng hái bước ra trước đám đông. Anh ưỡn ngực, ngửa mặt đưa cả hai tay hướng lên trời, hùng hồn nói lớn:

“Theo tôi! Cuộc đời là một trường tranh đấu, chúng ta phải dấn thân!”.

Một vài tiếng vỗ tay lộp độp nổi lên ủng hộ Phú. Đào Vân Hạc cau mặt tỏ vẻ bực mình. Anh bước ra trước mặt Phú:

“Tôi xin hỏi anh. Anh được cái gì trên trường tranh đấu của anh? Văn minh Tây học như anh; đấu tranh như anh rồi cũng tù như tôi chứ gì; mà còn tệ hơn tôi nữa. Anh bị tra tấn đánh đập. Còn tôi thì không. Rồi anh cũng về quê sống với vợ chứ gì. Anh bảo tôi phong kiến khắt khe hả? Nhưng ở đó mọi chuyện còn rõ ràng. Tuy khắt khe, nhưng người ta còn biết thế nào là phạm húy để mà tránh. Còn cái thời gọi là văn minh Tây học của anh thì thiên địa tù mù, chẳng biết đằng nào mà lần. Ông đó mà thằng cũng đó. Phải chi ông Vũ Trọng Phụng cho thêm một lần “Vỡ đê” nữa, thì cũng chẳng ai biết cuộc đời anh sẽ trôi dạt về đâu? Sợ rằng anh còn tệ hơn ông Thứ giáo khổ kia”.

Thứ gào lên: “Thằng nào bảo Thứ tệ gì đâu? Dám nói lần nữa xem nào?”.

Năm Sài Gòn gằn giọng: “Câm đi! Cấm thằng nào làm ồn ào mất trật tự. Đến thằng Chí Phèo cũng phải câm miệng nữa đấy!”.

Chí Phèo thét lên: “Thằng nào bảo ông câm đâu? Tiên sư chúng nó! Tiên sư cả làng Vũ Đại…”

“A thằng này láo!…”. Năm Sài Gòn lao tới đá mạnh vào ngực Chí Phèo làm hắn ngã ngửa vào một người đàn bà ở phía sau.

“Choang!”, một thứ nước sền sệt đổ ra tung tóe. Tiếng Thị Nở tru tréo: “Ối giời đất ơi! Ối làng nước ơi! Chúng nó làm bể tô cháo hành của tôi rồi”.

Chí Phèo vớ ngay mảnh sành của bát cháo hành vỡ rạch mặt ăn vạ: “Ối làng nước ơi! Ối! ông đội sếp ơi! Chúng nó giết tôi, cứu tôi với!”.

Năm Sài Gòn điên lên: “A! Thằng này vừa ăn cướp vừa la làng! Anh em đâu? Cho nó một trận để biết mặt giang hồ”. Tư Lập Lơ với Ba Dao Bay cùng Năm Sài Gòn lao vào đấm đá Chí Phèo túi bụi. Tiếng ồn ào la hét vang động cả một góc trời, khiến mọi người nhốn nháo.

Đoàng! Đoàng! Hai tiếng súng nổ rắn đanh, khiến tiếng ồn ào im bặt. Có hai người cảnh binh xuất hiện. Họ bước nhanh đến trước đám đông với nét mặt hầm hứ. Một người cầm khẩu súng lục, nòng súng vẫn còn bốc khói. Người kia tay lăm lăm cái dùi cui. “Ê! Ai cho các người làm ồn ào gây mất trật tự ở đây hả? Tít đâu? Đưa hết cả đây xem!”.

Đám đông dúm dó, sợ hãi ngồi nép vào nhau. Người nào người nấy mặt tái xanh trước sức mạnh của công lực, họ nhìn nhau lơ láo. Tiếng ồn ào biến mất như có phép lạ. Một viên cảnh binh đưa đôi mắt ngầu ngầu đầy uy lực lướt qua đám đông đang rúm ró vì sợ hãi. Ánh mắt sắc lạnh dừng lại ở một người đàn ông mặt bộ đồ nâu vá chằng đụp, đội chiếc nón mê rách xùm xụp che kín mặt, dáng điệu rất khả nghi. “Ê! Thằng kia! Bước ra đây! Tít đâu! Đưa đây coi?” – một viên cảnh binh quát lớn.

Người đàn ông đứng dậy, thân hình lực lưỡng chật căng trong bộ đồ nâu rách. Anh khoanh tay trước ngực, tư thế ra vẻ thách thức. Người này từ từ tiến lên với ánh mắt đầy phẫn nộ hắt ra từ sau vành nón phóng thẳng vào hai nhân viên công lực.

“Anh Pha!” – Có tiếng xì xào. Mọi người nín thở, không biết điều gì sẽ xảy ra với anh Pha – Phải, người đó chính là anh Pha – con người đang ở “Bước đường cùng”. Hai luồng kình lực từ ánh mắt phóng thẳng vào nhau… Thầy đội cầm súng bất giác lùi lại, người kia lăm lăm chiếc dùi cui thủ thế… Khoảng cách giữa hai bên từ từ rút ngắn … Không gian nặng nề, căng thẳng…

Đúng lúc ấy, bỗng xuất hiện một người đàn ông mặc bộ đồ Tây sang trọng bước đến. Ông đứng cản giữa anh Pha và hai nhân viên công lực. Với vẻ mặt nghiêm trọng và đầy uy quyền một cách giả tạo, ông ra hiệu cho anh Pha dừng lại. Rồi xoay người về phía hai nhân viên công lực, ông bình tĩnh đưa tay gạt chiếc dùi cui xuống. “Thôi đi, hai thầy Min deux và Min trois! Đây là một cuộc tranh luận, đó là điều rất cần thiết cho nền văn minh và sự tiến hoá. Chúng ta không nên ngăn cản họ. Hai thầy hãy yên tâm về nhiệm sở. Ở đây sẽ không có chuyện gì!”.

Nói xong, người này đẩy nhẹ vào vai hai thầy đội, ra hiệu. Hai thầy đội hầm hầm, tỏ vẻ miễn cưỡng phải bước đi. Họ cũng không quên ném vào đám đông một cái nhìn sắc lạnh như muốn cảnh cáo: sự việc này sẽ không thể xảy ra lần thứ hai. Người đàn ông vận đồ Tây sang trọng quay về phía đám đông. Ông khoát tay làm một cử chỉ như muốn nói một điều gì. Nhưng có lẽ thấy đám người bất lực đang dúm dó vì sợ hãi. Ông tỏ vẻ thương hại, nhún vai rồi bỏ đi.

Từ trong đám đông, một số người lục tục đứng dậy đi theo ông. Người ta nhận thấy đó là: vợ chồng ông Văn Minh, ông Tuyp – phờ – nờ, bà phó Đoan, cậu “em Chã” và cả ông thầy bói nữa…

Đợi mọi người đã đi khuất hẳn trong bóng đêm. Tiếng nguời lại ồn ào nổi lên. Chị Dậu thẽ thọt hỏi:

“Tôi hỏi cái này khí không phải. Vì “Tắt đèn” nên nom không rõ. Cái nhà ông vận đồ Tây là ai mà oai thế? Đến đội xếp cũng phải nể thế, hả thầy Năm Sài Gòn?”.

Năm Sài Gòn giật mình: “Suỵt! Nói khẽ chứ! Đội xếp nó biết tôi ở đây, chúng nó bắt tôi bây giờ”.

Năm Sài Gòn lắm lét nhìn xung quanh. Chẳng ai để ý đến hắn. Yên tâm, Năm Sài Gòn ghé sát vào tai chị Dậu, nói rất khẽ:

– Ông ấy chính là ngài giáo sư Xuân tóc đỏ!

Bến Tre 1991

Nguyễn Vũ Tuấn Anh