BabyWolf - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Blog cá nhân chia sẻ về thiết kế web, SEO, Online Marketing, giải pháp web, cuộc sống và nhật ký của tôi.

Hòa cả làng

Trăm năm bia đá thì mòn


Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ


(Ca dao)


Vào năm Nhâm Thìn bão lụt, thời Bảo Thái nguyên niên, dưới triều Lê Trịnh, có anh cu Đẹt làm mõ làng Vũ Đại. Quanh năm suốt tháng, anh mõ đầu tắt mặt tối phục dịch cho việc làng việc xã, nhưng vẫn nghèo xơ xác. Mặc dù địa vị xã hội thuộc vào hàng dưới hạ đẳng và bần cùng, nhưng anh mõ vẫn chắt chiu, dành dụm nuôi được con lợn áng chừng non tạ. Không may cho anh, vào chiều tối ba mươi Tết năm ấy, trong khi lo chạy việc làng, con lợn xổng chuồng, phóng chạy sang bếp nhà ông xã nhiêu.

Lúc này, ông Mít – mới gom góp của cải dành dụm được trong nhiều năm, mua chân xã nhiêu để được mang danh chức dịch trong làng – đang hí hửng bổ củi, nấu nồi bánh chưng ăn Tết. Trong ánh lửa bập bùng, nhập nhoạng với trời tối mịt của đêm ba mươi, chợt thấy con vật lạ xộc vào chỗ mình, xã nhiêu hoảng hồn. Sẵn rìu bổ củi trên tay, ông xã phang một cái trời giáng vào đầu con vật. Con lợn khốn khổ của anh mõ “hự” lên một tiếng rồi lăn ra chết. Cầm thanh củi cháy đỏ lại gần, giơ lên coi, xã nhiêu giật mình: con lợn của thằng hàng xóm – thằng mõ – kẻ hạ đẳng và bần cùng nhất làng Vũ Đại. “Chết mẹ!” – xã nhiêu nghĩ bụng – “Thằng mõ nó biết mình giết lợn nó, mà lại giết ngay tại nhà mình, nó bảo mình ăn trộm, nó ăn vạ la làng thì còn gì là danh giá ông xã nữa! Bây giờ chỉ còn cách quăng mẹ nó con lợn này sang vườn nhà lão lý cựu là chắc ăn hơn cả”. Nghĩ sao bào hao làm vậy, xã nhiêu lặc lè vác con lợn băng qua cánh đồng lén đến vườn nhà lý cựu.

Ông Ổi cũng mới mua chân lý cựu ngót trăm quan tiền và một tiệc khao cả làng cũng cỡ đó. Ông thấy thật là danh giá – “Không như cái thằng Mít mới làm ăn khá lên đây, ti toe có mấy hột mà cũng bày đặt mua chức xã nhiêu!” Vừa nghĩ, lý cựu vừa chắp tay sau đít đi đi lại lại trong vườn vừa gật gù tỏ vẻ đắc chí. Bỗng lý cựu đứng sựng lại, mặt mày tái mét: bên bờ rào, một bóng đen lù lù xuất hiện đang nhìn ngó. Lý cựu định thần coi kỹ – xã nhiêu – vừa nghĩ tới nó, nó đã hiện ra, mình mẩy mặt mày máu me bê bết, trông cứ như một oan hồn hiện lên đòi mạng. Lý cựu lập cập la lên, tiếng eo éo vì lạc giọng:

– Bớ làng nước ơi! Cứu tôi với!

Tiếng la chưa dứt thì “huỵch”; một con gì cũng bê bết máu quăng ngay trước mặt làm lý cựu sợ đến cứng họng, lăn quay ra đất, run lẩy bẩy. Người nhà nghe tiếng la chạy túa ra vườn. Ánh đuốc bập bùng, lý cựu mắt trợn trắng chỉ tay ra bờ rào, răng đánh vào nhau lập cập “Xã nhiêu”… Một tay người nhà tỏ ra can đảm, mạnh bạo cầm đuốc đi tới coi:

– Bẩm cụ lý! Con lợn ạ!

– Nó! Xã nhiêu, không phải lợn…

Thấy cụ lý đã mất hồn vía, đám đầy tớ bèn khiêng lý cựu vào nhà chạy chữa.

Hoàn hồn, ông lý bàn với bà lý:

– Sách nho có câu: “Họa phúc bất tường, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nó làm ông hết vía thì ông được con lợn. Vậy bu nó sai pha thịt ra, nhà ta lấy một góc tư ăn Tết. Còn bao nhiêu, mai tôi với đầy tớ gánh ra đình bán lấy tiền, bù chút đỉnh vào cái khoản lo chân lý cựu cho tôi!

Bà lý khoái chí cười toe toét:

– Lạy thánh mớ bái, nhờ ơn đức ông bà tổ phụ, nên năm hết Tết đến nhà ta vẫn có lộc trời cho!

Sáng mồng một Tết, lý cựu khăn đóng áo dài, quần chúc bâu, giày da láng, phe phẩy chiếc quạt cùng anh lực điền gánh thịt lợn ra chợ đình bán. Nửa đường, cụ lý gặp trương tuần Hách – người phụ trách an ninh trong làng – đang ve vẩy tay thước đi cùng với một tuần phu. Trông thấy lý cựu, trương tuần Hách cười toe toét, khom lưng vái:

– Bẩm cụ lý, năm mới kính chúc cụ vạn thọ khang ninh.

Lý cựu cũng toe toét cuời ra dáng hỉ hả:

– Không dám! Không dám! Năm mới xin chúc ông trương…

Chợt nhìn thấy thịt lợn, trương tuần Hách đổi giọng:

– Ai cho phép ông phạm lệ làng?

Lý cựu xám mặt ngơ ngác. Tuần Hách tiếp:

– Ông sát sinh ngày mồng một là một tội, hai nữa là ông không có nuôi lợn, sao lại có thịt lợn bán, đích thị đồ gian, tôi phải bắt ông ra làng phạt vạ.

Lý cựu mặt tái mét:

– Bẩm ông trương…

– Không bẩm báo gì hết! Ông là lý cựu, chỉ có cái danh do làng đặt ra, để bán cho kẻ có tiền như ông, để ông khỏi mang tiếng bạch đinh, khỏi phu phen tạp dịch, để ông được ăn trên ngồi trước mỗi khi có đình có đám. Nhưng ông không có quyền gì sất, tôi mới có quyền! Biết chưa? Đi!

Người tuần phu vung tay thước. Lý cựu run lập cập:

– Bẩm ông trương! Thật ra thì…

Lý cựu thuật lại câu chuyện, rồi nói:

– Xin ông cũng thương tình, sự thật chỉ có thế. Ông có làm lớn chuyện thì chẳng bõ dân làng nó cười đám đàn anh. Chẳng gì chúng ta cũng cùng trong chức dịch với nhau!

Trương tuần Hách nghĩ bụng: “Nếu việc thật chỉ có thế thì cũng đếch làm gì được thằng lý cựu keo kiệt này. Thằng này có bóp cổ thì nó lè lưỡi, chứ không chịu lòi tiền cho mình, chi bằng lựa cách lấy mẹ nó chỗ thịt lợn có lẽ dễ hơn!”. Nghĩ vậy, trương tuần Hách dịu giọng:

– Nếu ông biết điều thì thôi! Vả lại cũng tình chòm xóm, lại trong chức dịch với nhau. Thôi thì tôi bàn thế này: công ông đã khó nhọc gánh ra đến đây, ông đã lấy một góc tư thì lấy thêm bộ đồ lòng nữa là quá phải. Lợn cũng không biết là của ai, chỗ thịt này ông cứ đưa cho tôi, mặc tình tôi lo liệu, êm chuyện thì thôi. Ông thấy thế nào?

Lý cựu mừng húm, vâng dạ rối rít. Ông lý đưa mắt lườm anh đầy tớ. Thầy trò chộp bộ đồ lòng rồi lập cập ra về. Vừa đi lý cựu vừa tâm đắc: “Họa phúc bất tường, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”.

Trương tuần Hách lấy thịt về nhà, nghĩ nuốt cũng khó trôi. Chú bèn pha lấy một góc tư, còn bao nhiêu đem trình lý trưởng.

Lý trưởng làng Vũ Đại đang khề khà uống rượu thì trương tuần Hách đem thịt lợn đến trình việc. Bực mình, cụ lý mắng:

– Tháng giêng là tháng ăn chơi, lại là mồng một Tết. Chú trình việc định phá ta hả? Sao không để ra giêng hãy trình?

– Dạ bẩm cụ lý! Để ra giêng e thịt lợn ôi, phạm tội phí của trời. Nên con cũng mạn phép lấy một góc tư, còn bao nhiêu đem trình cụ lý, tuỳ chỗ cụ định liệu…

Nghe nói, lý trưởng gật gù:

– Thôi được, thầy nói cũng có lý. Vậy cứ để thịt đây cho tôi lo!

Trương Hách về rồi, lý trưởng nghĩ bụng: “Tiên sư cái thằng trương Hách thế mà khôn, nó đẩy việc cho mình. Xử thì Tết nhất rộn làng rộn xóm, tiếng oán để cho ta, không xử để ra giêng thì lợn ôi cũng uổng, lợn thì không biết của ai, mà cũng chẳng còn nguyên con lợn!”. Cụ lý chắc lưỡi: “Thôi thì nó góc tư, ta đây cũng góc tư cho khỏi phí của trời”. Nghĩ vậy, cụ bèn sai đầy tớ xẻ thịt. Chỉ một lát sau, cụ lý đã áo the khăn xếp chỉnh tề cùng đầy tớ bưng quả thịt, đem trình ông chánh tổng. Nghe lý trưởng làng Vũ Đại trình sự việc, ông chánh phán:

– Thằng trương Hách nó đùn việc cho ông, ông lại đùn cho tôi hả?

Lý trưởng khom lưng:

– Dạ, bẩm cụ chánh, nhà con đâu dám. Thôi thì cụ chánh thương tình xín xái. Dầu gì cụ cũng xuất thân từ làng Vũ Đại. Kể như làng Vũ Đại con tết cụ chút đỉnh thịt lợn!

Chánh tổng ra chiều suy nghĩ rồi gật gù:

– Nể tình thầy, tôi cũng chiếu cố lấy một góc tư, chứ chẳng dám ăn hơn các ông. Còn cái đầu lợn, để tôi sai đem biếu quan phụ mẫu tri huyện, nói là của làng Vũ Đại các anh tết quan. Như vậy, sau này các anh xin xỏ gì nó cũng dễ, có phải không?

Lý trưởng hớn hở cười toe toét, vái dài:

– Bẩm cụ chánh! Cụ thật cao kiến, thôi thì trăm sự làng Vũ Đại chúng con trông cậy cả vào cụ!

*

* *

Quan phụ mẫu đang phấn khởi, vì đầu năm có người đem biếu cái thủ lợn. Thực ra, quà Tết quan chẳng thiếu gì, nhiều cái còn đắt giá hơn. Nhưng quan cho đó là điềm lành. Con ngài năm nay lại đi thi để lấy cái tú tài. Trước đây nó đã mấy lần thi không đậu. Nó tuổi Hợi tức là lợn, ứng vào điềm đầu lợn chắc hẳn phen này sẽ đậu thủ khoa. Chỉ tiếc cái tai trái đầu lợn lại rách mất một miếng, e có điều gì không được trọn vẹn…

Bỗng lính lệ chạy vào báo:

– Bẩm quan lớn! Có thằng mõ làng Vũ Đại xin được vào hầu. Bẩm nó láo quá, cửa quan mà nó làm như cái gì của nó ấy ạ!

– Thôi được! – Quan phụ mẫu đang phấn khởi, ngài tỏ ra độ lượng – Chốn công đường ai có việc thì tới, vậy mới gọi là công đường chứ! Cho nó vào đây!

Chú lính há miệng ngạc nhiên: lần đầu tiên quan tỏ ra độ lượng, một anh mõ hạ đẳng mà cũng được gặp quan. Cảm động đến rưng rưng nước mắt, chú lính cúi rạp người:

– Xin tuân lệnh quan lớn!

Anh mõ bước vào.

– Có việc gì? - Quan hất hàm, oai vệ hỏi.

Anh mõ chắp tay vái rồi mếu máo kể lể:

– Dạ! bẩm quan lớn! Cái thân con nghèo hèn, dành dụm chắt chiu mới nuôi được con lợn. Nhưng không may đêm ba mươi Tết có kẻ ăn trộm lợn của con!

Quan quắc mắt, ngài quát:

– Sao không báo tuần! Tao còn nhiều chuyện lớn phải lo, thì giờ đâu mà lo cái chuyện vặt của mày!

Anh mõ nghe quan nổi giận thì mặt tái xanh, nói lắp bắp:

– Dạ bẩm quan lớn! Con lợn của quan thì nó nhỏ, nhưng con lợn của con thì nó lớn lắm ạ! Dạ bẩm, con cũng đã báo ông trương tuần; ông trương tuần chỉ lên cụ lý; cụ lý chỉ lên cụ Chánh; cụ Chánh chỉ lên quan lớn. Con hết hơi mới lên đến đây, kêu xin quan lớn đèn trời soi xét cho phận cùng đinh này!

– Con lợn của mày có dấu tích gì không?

– Dạ bẩm quan lớn! Con lợn của con nó bị gai tre móc phải, nên rách tai trái từ bé ạ!

Quan phụ mẫu giật mình, tái mặt. Ngài thét lớn:

– Lệ đâu! Bảo thầy lục sức giấy gọi tất cả chức dịch làng Vũ Đại với chánh tổng Vũ Nhai lên hầu ngay!

Chú lệ khúm núm:

– Dạ bẩm quan lớn! Chức dịch làng Vũ Đại với chánh tổng Vũ Nhai đang tề tựu trước công đường để mừng tuổi quan lớn.

Quan khoát tay ra hiệu cho anh mõ và chú lính đi theo, rồi hầm hầm bước ra cổng.

Thấy quan thăng đường, đám chức dịch quỳ mọp:

– Bẩm quan lớn! Năm mới…

Quan gạt phắt:

– Không năm mới năm me gì hết! Chúng mày làm ăn thế nào mà để Tết nhất thằng mõ lên tận đây kêu ca là nó mất lợn?

Quan quay lại hỏi anh mõ:

– Con lợn của mày ra sao?

Anh mõ sợ quá, quỳ xuống lắp bắp:

– Dạ bẩm quan! Lợn con bị rách tai trái ạ!

Quan quắc mắt nhìn chánh tổng. Chánh tổng vội nói:

– Dạ, bẩm quan! Thủ lợn con biếu quan do lý trưởng làng Vũ Đại đem cho ạ! Dạ! Chỉ có cái thủ và một góc tư!

Lý trưởng vội nói:

– Dạ, bẩm quan! Lợn ấy anh trương Hách đem lại cho con chỉ có một nửa ạ!

Trương Hách vội nói:

– Xin quan minh xét! Con đi tuần gặp anh lý cựu gánh thịt ra đình nhờ con trình làng, lợn thiếu một góc tư ạ!

Lý Ổi run lập cập:

– Dạ, bẩm quan! Anh xã Mít đêm ba mươi, quăng lợn chết vào nhà con ạ!

Xã nhiêu quì mọp kể lại sự việc, sau đó lạy như tế sao:

– Bẩm quan! Xin quan đèn trời soi xét.

Quan phụ mẫu ngẫm nghĩ: “Đúng là thủ lợn rách tai sinh điềm gở! Biết đâu nó ứng vào việc kiện cáo này, còn con ta vẫn lãnh thủ khoa!”. Nghĩ vậy, quan khoái trá, ngài phán:

– Như vậy thì nay ta xét thấy: lợn chạy vào bếp xã nhiêu, bị nó đập chết nhưng lại quăng vào vườn lý cựu, chứng tỏ xã nhiêu không có lòng tham. Đập lợn chỉ là hành động tự vệ chính đáng, nó không có tội gì, bản chức tha cho!

Xã nhiêu hớn hở vái dài:

– Dạ, bẩm quan lớn minh lắm ạ!

Quan quay qua lý cựu:

– Còn thầy lý cựu! Lợn quăng vào nhà thầy, thầy có lấy hết cũng phải mà chỉ lấy một góc tư, rồi đem trình làng. Bản chức xét thấy thầy cũng vô tội!

Lý Ổi quỳ mọp hớn hở:

– Bẩm quan lớn dạy chí phải!

Quan nhìn sang trương Hách:

– Với trương Hách, Tết nhất còn mẫn cán với công việc thật đáng khen. Lợn lý cựu đưa cho không biết của ai; lại chỉ lấy một góc tư rồi đem trình lý trưởng là phải phép, ngươi không có tội gì!

Trương Hách hí hửng:

– Dạ bẩm quan lớn dạy thật chí lý!

– Còn lý trưởng làng Vũ Đại! – quan phán tiếp – con lợn đến thầy cũng không còn nguyên vẹn. Không lẽ gọi cả làng ra nhận lợn trong ngày tư ngày tết làm rộn làng rộn xóm, trong khi cũng không biết lợn ở đâu ra. Ông xung công rồi đem biếu chánh tổng là phải phép. Như thế là người biết làm việc.

Lý trưởng vui vẻ vái dài:

– Tạ ơn quan lớn, xét thật công tâm!

Quan ngó qua chánh tổng:

– Còn ông chánh! Thầy lý biếu ông, ông có quyền nhận và còn có bụng trên nghĩ đến ta, dưới nghĩ đến làng Vũ Đại. Như thế là trên dưới trọn đạo, vẹn tình. Xử thế thật đáng khen.

Chánh tổng vái dài:

– Dạ bẩm quan! Xưa nay con vẫn đúng như lời quan dạy!

– Còn ta! – quan gật gù – ta vốn thương người, lấy quá thì khổ dân, mà không lấy thì phụ tình người biếu ta. Ta nhận vì thuận lòng người, chớ cái đầu lợn thì với ta có gì đáng kể!

Đám chức dịch vái dài:

– Dạ bẩm quan! Quan thật nhân đức. Đúng là “Dân chi phụ mẫu”!

Anh cu Đẹt quỳ mọp, mếu máo:

– Dạ bẩm quan lớn! Bẩm các cụ! Cái phận con nghèo, nên cái thân con ngu. Con thấy quan dạy thật chí lý, việc các cụ làm thì phải cả. Nhưng con lợn của con thì nó đi đàng nào? Thật khốn khổ thân con!

– Đối với thằng mõ! – quan gật gù độ lượng, ngài phán – Ngươi vô ý để lợn xổng chuồng, lại kêu rêu là mất trộm khi không có bằng chứng cụ thể, gây hoang mang, hoài nghi trong bà con, làng xóm. Đúng ra ta phải trừng trị. Nhưng xét ra thì “của đau con xót, một mất mười ngờ” lại thấy thân phận ngươi nghèo hèn cũng đáng thương. Bậc thánh nhân xưa lấy lòng nhân làm gốc, lấy hoà khí làm đầu! Nay ta xử: “Hoà cả làng!”.

Đám chức dịch nảy giờ nín thở, nay mừng rỡ la lên:

– Bẩm quan lớn! Chí phải! Chí phải! Lợn đã xổng chuồng, hoà cả làng! Hoà cả làng! Ha ha ha!

Anh mõ tiu nghỉu, mếu máo trở về nhà. Thế là câu chuyện từ miệng anh mõ lan ra khắp làng Vũ Đại, rồi ra hết tổng Vũ Nhai, lan cả huyện Thọ Xương, rồi khắp trấn Kinh Bắc, rồi ra cả nước. Đến nay trải đã mấy trăm năm, “Hoà cả làng” đã trở nên câu thành ngữ dân gian.

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi đi qua đám đánh cù, đánh đáo, thấy bọn trẻ thường la lên:

– Hoà cả làng! Hoà cả làng!

Và khi đó, thế nào cũng có thằng cười, thằng khóc…

Nguyễn Vũ Tuấn Anh